Tổng quan về Tỉnh Vĩnh Long

I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực ĐBSCL, vị trí giáp giới như sau: Phía Bắc và Đông Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; Phía Tây Bắc Đông giáp tỉnh Đồng Tháp; Phía Đông Nam giáp với tỉnh Trà Vinh; Phía Tây Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ.

Tọa độ địa lý tỉnh Vĩnh Long trải từ 9°52’45’’ đến 10°19’50’’ vĩ độ Bắc và từ 104°41’25’’ đến 106°17’03’’ kinh độ Đông.

 

 

Tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính, gồm 6 huyện (Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm); thị xã Bình Minh và Thành phố Vĩnh Long với 109 xã, phường, thị trấn ( 94 xã, 5 thị trấn và 10 phường).

Tổng diện tích tự nhiên 152.017,6 ha, đứng thứ 12/13 các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (lớn hơn thành phố Cần Thơ). Diện tích đất nông nghiêp 118.918,5ha, chiếm 78,23%; đất phi nông nghiêp 33.050,5ha, chiếm 21,74%. Trong đất nông nghiệp, đất canh tác cây hàng năm 72.565,4ha, chiếm 47,73% diện tích tự nhiên; trong đó chủ yếu là đất lúa (71.069,2ha); đất trồng cây lâu năm 45.372,4ha, chiếm 29,85%; mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 942,2ha, chiếm 0,62%.

2. Dân số - lao động.

Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2013 là 1.040.500 người (nam 513.400, nữ 527.600; thành thị 173.720, nông thôn 866.780, chiếm 6,8% dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 1,4% dân số cả nước. Mật độ dân số 684 người/km²; thành phố Vĩnh Long có mật độ dân số cao nhất với 2.934 người /km²; thấp nhất là huyện Trà Ôn với509 người/km². Người Kinh chiếm khoảng 97,3%, các dân tộc khác chiếm 2,7% (người Khmer 21.820 người, chiếm gần 2,1%, người Hoa 4.879 người và các dân tộc khác 216 người). Người Kinh phân bố đều ở các nơi; người Khmer sống tập trung ở 48 ấp, 10 xã và 01 thị trấn thuộc 04 huyện Trà Ôn, Tam Bình, thị xã Bình Minh, Vũng Liêm; người Hoa tập trung ở thành phố Vĩnh Long và các thị trấn.

Lao động từ 15 tuổi trở lên 630.195 người (nam 338.081, nữ 292.024; thành thị 87.514, nông thôn 542.940). Lao động từ 15 tuổi đang làm việc 613.045 người (thành thị 89.902 lao động, nông thôn 523.143 lao động); nhà nước 30.983 người (5,05%), ngoài nhà nước 566.020 người (92,33%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 16.042 người (2,62%).

 

3. Địa hình.

Vĩnh Long có địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 2 độ, cao trình khá thấp so với mực nước biển (cao trình tuyệt đối từ 0,6 đến 1,2m chiếm 90% diện tích tự nhiên), toàn tỉnh chỉ có khu vực thành phố Vĩnh Long và thị trấn Trà Ôn có độ cao trung bình khoảng 1,25m. Đây là dạng địa hình đồng bằng ngập lụt cửa sông, tiểu địa hình của tỉnh có dạng lòng chảo ở giữa trung tâm tỉnh và cao dần về 2 hướng bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít và ven các sông rạch lớn. Nhìn chung, địa thế của tỉnh trải rộng dọc theo sông Tiền và sông Hậu, thấp dần từ Bắc xuống Nam, chịu ảnh hưởng của nước mặn, lũ không lớn, có thể chia ra 3 cấp như sau:

- Vùng có cao trình từ 1,0 đến 2,0m (chiếm 37,17% diện tích) ở ven sông Hậu, sông Tiền, sông Mang Thít, ven sông rạch lớn cũng như đất cù lao giữa sông và vùng đất giồng gò của huyện Vũng Liêm, Trà Ôn.

- Vùng có cao trình từ 0,4 đến 1,0m (chiếm 61,53% diện tích) phân bố chủ yếu là đất 2-3 vụ lúa cao sản với tiềm năng tưới tự chảy khá lớn, năng suất cao, trong đó vùng phía Bắc quốc lộ 1A l chịu ảnh hưởng lũ tháng 8 hàng năm.

- Vùng có cao trình nhỏ hơn 0,4m (chiếm 1,3% diện tích) có địa hình thấp trũng, ngập sâu.

Với điều kiện địa hình nầy, trong tương lai khi BĐKH toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, BĐKH với kịch bản mực nước biển dâng 1m, qua tính toán sẽ có các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn bị ảnh hưởng do nhiễm mặn và có khoảng 606 km²(gần 40% diện tích) đất ở khu vực trung tâm tỉnh bị ngập, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng (hệ thống đường giao thông, các công trình xây dựng, nhà cửa,..); ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và môi trường sinh thái, ĐDSH của địa phương.

4. Thời tiết - khí hậu - thủy văn

Thời tiết - khí hậu: Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng, ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào.

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình của tỉnh Vĩnh Long qua các năm biến động từ 27,3 – 28,4°C, trong đó cao nhất là năm 2010. Trong năm này, nhiệt độ trung bình các tháng xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,4-1,0°C. Nhiệt độ cao nhất là 36,9°C, thấp nhất là 17,7°C và biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân là 7,30°C.

Bức xạ trên địa bàn tỉnh tương đối cao, bình quân số giờ nắng trong một ngày là 7,5 giờ. Bức xạ quang hợp hàng năm đạt 79.600 cal/m². Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.550-2.700 giờ/năm. Nhiệt độ và bức xạ dồi dào là điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt

- Độ ẩm không khí bình quân 81-85%, trong tháng 9, độ ẩm đạt cao nhất là 90% và tháng thấp nhất là 74% (tháng 3,4).

- Số ngày mưa bình quân trong năm là 100 – 115 ngày với lượng mưa trung bình 1.300 – 1.690 mm/năm. Lượng mưa ở mùa khô xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng lượng mưa mùa mưa lại xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Nhìn chung, trong các tháng mùa mưa, lượng mưa tháng ở hầu hết các nơi trong tỉnh chỉ từ 35 - 50%, thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Tỉnh Vĩnh Long qua các năm không có các dạng khí hậu cực đoan mặc dù ở một vài nơi có xuất hiện lốc xoáy, ngập lũ, sét đánh vào mùa mưa hoặc mưa trái mùa trên diện rộng, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới biển Đông gây mưa nhiều ngày.

- Thủy văn: Tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông thông qua 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu cùng với sông Mang Thít và hệ thống kênh rạch. Cụ thể:

- Sông Cổ Chiên là nhánh của sông Tiền, có chiều dài 90km, đoạn đi qua Vĩnh Long mặt cắt sông rộng trung bình 1.700m, độ sâu 7 – 10m, lưu lượng dao động từ 1.814 – 19.540m³/s.

- Sông Hậu là nhánh lớn thứ hai của sông Mêkông chảy qua địa phận Việt Nam với chiều dài khoảng 75km, lưu lượng bình quân dao động từ 1.154 – 12.434m³/s.

- Sông Măng Thít nối sông Tiền và sông Hậu, cửa sông ở phía sông Tiền lớn hơn phía sông Hậu. Do tác động của triều cường từ sông Cổ Chiên và sông Hậu, sông Mang Thít chảy theo hai chiều nước vào và ra ở hai cửa sông, cụ thể khi triều cường lên nước chảy vào từ hai cửa sông Quới An và Trà Ôn; khi triều cường xuống nước sông chảy ra từ 2 cửa trên, vùng giáp nước 2 chiều là cửa Ba Kè (ngã ba Thầy Hạnh) cách sông Hậu 17km. Sông Măng Thít không bị ảnh hưởng mặn nên có nước ngọt quanh năm, thuận lợi cho quá trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân địa phương. Tuy nhiên do cao trình đất ở vùng phía Bắc sông Măng Thít thấp trũng nên vấn đề thoát nước sẽ khó hơn.

 Mực nước và biên độ triều trên các sông khá cao, cường độ triều truyền mạnh, vào mùa lũ biên độ triều khoảng 70 - 90 cm và vào mùa khô, biên độ triều dao động 114 – 140cm, kết hợp với hệ thống kênh mương nội đồng nên có khả năng tưới tiêu tự chảy tốt, giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

Thời tiết, khí hậu khá thuận lợi cho nông nghiệp theo hướng đa canh, thâm canh tăng vụ và thích hợp cho đa dạng sinh học tự nhiên phát triển. Tuy nhiên, do lượng mưa chỉ tập trung vào 6 tháng mùa mưa cùng với nguồn nước lũ từ khu vực thượng nguồn của sông MêKông tạo nên những khu vực bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và môi trường sinh thái khu vực.


 

II. Tài nguyên thiên nhiên

1. Tài nguyên đất.

Tài nguyên đất của tỉnh chủ yếu là phù sa mới sông MêKông nhưng do đặc điểm của quá trình hình thành và phát triển được phân loại như sau:

Đất xáo trộn (đất vượt liếp, đất xáng thổi): có diện tích 56.528 ha (chiếm 38,25% diện tích đất tự nhiên). Qua so sánh, Vĩnh Long có nguồn đất xáo trộn thứ 2 so với các tỉnh ở ĐBSCL, đây là loại đất líp bao gồm đất vườn thổ cư, khu dân cư đô thị, đất trồng cây lâu năm và cây ăn trái.

Đất phèn: có diện tích 43.989 ha, chiếm 29,77% diện tích đất tự nhiên.

- Đất phèn tiềm tàng nông (Sp1) có diện tích 367 ha;
- Đất phèn tiềm tàng sâu (Sp2) có diện tích 12.292 ha;
- Đất phèn hoạt động sâu (Sj2) có diện tích 5.655 ha;
- Đất phèn hoạt động rất sâu (Sj3) có diện tích 25.676 ha.

Các loại đất phèn tiềm tàng nông, đất phèn tiềm tàng sâu và đất phèn hoạt động sâu không thể sử dụng cho đa dạng hoá với cây trồng cạn do hoạt động của tầng pyrite và jarosite trong đất. Riêng đất phèn hoạt động rất sâu có thể được sử dụng sản xuất cây trồng cạn theo hướng luân canh hợp lý với lúa theo hướng đa dạng hoá cây trồng.

Đất phù sa: có 30.683 ha (chiếm 20,76% diện tích đất tự nhiên) ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực các cù lao thuộc huyện Long Hồ, TX. Bình Minh, Bình Tân, Trà Ôn và Vũng Liêm. Người dân địa phương tận dụng điều kiện đất, kết hợp với khai thác thị trường nông sản để thực hiện đa dạng hoá cây trồng trên các vùng đất nầy.

Đất cát: có diện tích 275 ha, chiếm 0,19% diện tích đất tự nhiên.

Chất lượng đất tương đối cân đối các thành phần NPK, thích hợp cho phát triển ngành trồng trọt. Vùng đất ngập nước thích hợp cho việc trồng lúa, vùng đất bãi bồi ở các cù lao thích hợp cho việc phát triển các loại cây ăn quả.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng bền vững, trong đó tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Mặt khác, do quá trình thực hiện mục tiêu đô thị hoá – công nghiệp hoá đã tác động trực tiếp lên quỹ đất nông nghiệp của tỉnh nên hàng năm diện tích đất nông nghiệp giảm trên 400 ha cho mục đích phi nông nghiệp.

2. Tài nguyên khoáng sản sét.

Đất sét của tỉnh có tổng trữ lượng là trên 200 triệu m³ có chất lượng khá tốt. Trữ lượng có khả năng khai thác là 100 triệu m³. Sét được phân bố dưới lớp canh tác nông nghiệp với chiều dày tầng sét từ 0,4 – 1,2 m và phân bố ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả khảo sát, chất lượng sét thích hợp cho sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu tập trung Tân Mỹ, huyện Trà Ôn;, Ngãi Tứ, huyện Tam Bình; Tân Quới, huyện Bình Tân, chiếm từ 30-40% và chất lượng sét thích hợp cho sản xuất gạch ngói - vật liệu xây dựng, tập trung ở rải rác các huyện trong tỉnh.

Theo kết quả điều tra về hoạt động khai thác, sử dụng nguyên liệu sét cho thấy trên địa bàn tỉnh không có khai thác sét với qui mô công nghiệp mà chủ yếu là khai thác tận thu kết hợp cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp. Hiện tỉnh và các huyện đã lập quy hoạch chi tiết về khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản sét giúp cho công tác cấp phép, quản lý khai thác nguồn tài nguyên nầy tốt hơn.

3. Tài nguyên cát lòng sông.

Tài nguyên cát lòng sông tỉnh Vĩnh Long chủ yếu tập trung ở các tuyến sông lớn: sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Bang Tra. Kết quả khảo sát cho thấy tỉnh Vĩnh Long có 18 thân cát, tổng trữ lượng tài nguyên gần 130 triệu m³.  Theo Quy hoạch được duyệt, toàn tỉnh có thể khai thác với tổng công suất bình quân từ 4 - 6 triệu m³/năm. Cát sông của tỉnh thuộc dạng cát san lấp, phân bố tại 11 thân mỏ cát nằm rải rác trên 03 tuyến: sông Tiền, Sông Hậu và sông Cổ Chiên thuộc địa bàn tất cả 08 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh

Khai thác, sử dụng cát lòng sông với mục đích khơi thông dòng chảy của các con sông và phục vụ cho nhu cầu san lấp mặt bằng trong xây dựng, tuy nhiên, hiện nay trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát địa hình đáy sông để khoanh định vị trí mỏ, đánh giá trữ lượng, chất lượng các mỏ cát để cấp phép hoạt động khai thác. Đến nay đã có 69 giấy phép hoạt động khoáng sản cát sông gồm: 14 giấy phép thăm dò và 55 giấy phép khai thác nhưng hiện tại, chỉ có 14 giấy phép được phép hoạt động khai thác cát với tổng khối lượng 2.250.000 m³ .

4. Tài nguyên nước.

Nước ngầm: Theo kết quả nghiên cứu của một số công trình thăm dò thì nguồn nước ngầm ở Vĩnh Long rất hạn chế và chỉ phân bố ở một số khu vực nhất định. Các tầng nước ngầm của Vĩnh Long như sau:

- Tầng nước ngầm ở độ sâu trung bình 86,4 m, nước nhạt phân bổ chủ yếu ở vùng ven sông Hậu và sông Tiền, bề dày tầng chứa nước không lớn. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 46.169 m³/ngày.

- Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 150 m, nước nhạt phân bổ khu vực ven sông Hậu và một số xã phía Nam tỉnh Vĩnh Long. Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 86.299 m³/ngày.

 - Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 333,2 m, chất nước kém không thể khai thác.

- Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình 425 m. Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Đây là tầng chứa nước đang được khai thác nhiều bằng các giếng khoan công nghiệp. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 31.669 m³/ngày.

- Tầng chứa nước phân bổ ở độ sâu trung bình từ 439 m trở xuống. Nước nhạt chỉ phân bổ ở khu vực thành phố Vĩnh Long (ven sông Tiền). Bề dầy tầng chứa nước khá lớn. Đây là tầng chứa nước đang được khai thác nhiều bằng các giếng khoan công nghiệp. Đặc biệt đây là tầng chứa nước khoáng. Trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 19.520 m³/ngày.

Nước mặt: Với 91 sông, kênh, rạch trên địa bàn nguồn nước mặt của Tỉnh Vĩnh Long được phân bổ đều khắp trong tỉnh. Ba con sông lớn cung cấp nước cho hệ thống kênh rạch này là:

- Sông Cổ Chiên nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, có chiều rộng từ 800-2500m, sâu từ 20-40m với khả năng tải nước cực đại lên tới 12.000-19.000m³/s.

- Sông Hậu chảy theo hướng Đông Bắc Tây Nam, song song với sông Cổ Chiên, chạy dọc theo phía Tây Nam của Tỉnh, sông có chiều rộng từ 1500-3000m, sâu từ 15-30m, khả năng tải nước cực đại lên tới 20.000-32.000m³/s.

- Sông Măng Thít : gồm 1 phần kênh thiên nhiên, 1 phần kênh đào nối từ sông Cổ Chiên tại Quới An sang sông Hậu tại Trà Ôn, sông dài 47km, có bề rộng trung bình từ 110-150m, lưu lượng cực đại chảy ra và vào tại 2 cửa sông như sau:

Phía sông Cổ Chiên: 1500-1600m³/s; Phía sông Hậu: 525-650m³/s.

Chất lượng nước tại 3 con sông lớn này hoàn toàn ngọt, chế độ thủy văn điều hòa, lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa, ít chịu chi phối của thủy triều, tuy bị ô nhiễm nhẹ nhưng hoàn toàn dùng cho sinh hoạt được khi đã qua công trình xử lý nước, như vậy với tất cả các đô thị, khu dân cư có 3 con sông này chảy qua đều có thể lấy nước mặt (xử lý đạt tiêu chuẩn) để phục vụ cho nhu cầu nước ăn uống, sinh hoạt, phục vụ cho sản xuất công nghiệp, du lịch, đây là những thuận lợi lớn mà ít tỉnh nào có được.

5. Khí thiên nhiên.

Theo ghi nhận, hiện có khoảng 25 hộ dân khoan giếng nước dưới đất, phát hiện các túi khí phát ra và đốt cháy được nên đã khai thác sử dụng “gas” dùng làm nhiên liệu phục vụ cho sinh hoạt gia đình từ các túi khí tự nhiên trong lòng đất nầy.

Tuy nhiên do chưa điều tra, khảo sát để khoanh định vị trí, xác định thành phần, trữ lượng, chất lượng các túi khí nầy để có biện pháp quản lí, xử lý việc khaii thác sử dụng khí tự nhiên dưới lòng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.

6. Tài nguyên sinh vật.

Vĩnh long có hệ động vật và thực vật phong phú, đa dạng, có nhiều loại quí hiếm.

Thảm thực vật trên đất nông nghiệp bao gồm tập đoàn cây ngắn ngày và cây dài ngày. Cây ngắn ngày chủ yếu là lúa nước, phân bố khắp toàn tỉnh và vùng ĐBSCL. Lúa nước là cây có qui mô phát triển hàng đầu so với các loại cây ngắn ngày khác, nó thích hợp với môi trường sinh thái của ĐBSCL đã, đang và sẽ còn phát triển mạnh. Bên cạnh cây lúa nước, Vĩnh Long còn có hầu hết các loại cây ngắn ngày nhiệt đới như màu lương thực, cây công nghiệp, rau quả và cây thuốc.

Trong tập đoàn cây dài ngày có dừa, cây ăn quả (xoài, chôm chôm, nhãn, cam, quít, chanh, bưởi, măng cụt, sầu riêng...) Đặc biệt, bưởi Năm Roi ở Bình minh và cam Sành ở Tam Bình là hai đặc sản mà không nơi nào ở ĐBSCL có chất lượng bằng và là sản phẩm xuất khẩu có triển vọng.

Hệ động vật cũng rất phong phú :lợn, bò, trâu, gà, vịt... đều đã được thuần dưỡng từ rất lâu đời; những giống nhập ngoại cũng được thích nghi tốt với môi trường địa phương.

Nguồn tài nguyên thủy sản rất phong phú, gồm thủy sản nước ngọt và lợ. Vĩnh Long có 3 sinh hệ thủy sản chính :hệ kênh rạch; hệ hồ ao mương vườn; hệ và hệ ruộng lúa, là tiềm năng phát triển thuỷ sản chưa được khai thác tốt.

Thế mạnh đặc trưng

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và khí hậu nên tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Trong nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp với nhiều công trình hữu ích, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo cảnh quan và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của cư dân tỉnh nhà. Trên con đường phát triển, để sớm trở thành một tỉnh khá, giàu, thế mạnh đặc trung của Vĩnh Long sẽ được khai thác một các có hiệu quả, đó là:

- Có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống giao thông đối ngoại khá thuận lợi, kể cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không (có quốc lộ 1A, 80; 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậi được nối liền bởi sông Mang Thít; gần cảng và sân bay Cần Thơ...), gần thành phố Cần Thơ - Trung tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Đất có chất lượng cao, độ phì khá lớn, nguồn nước ngọt quanh năm, hệ thống sông rạch dày, thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Vĩnh Long hiện là vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm lớn nhất cả nước, đặc biệt nằm trong vùng tứ giác phát triển cây ăn trái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng phát triển các lúa, màu, cây ăn quả lớn, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu

- Vĩnh Long là có tiền năng lớn về phát triển du lịch (du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa, hội nghị, hội thảo, thương mại...

- Lao động dồi dào và có trình độ, đặc biệt lao động nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm, khả năng nâng cao tỷ lệ qua đào tạo lớn. Có truyền  thống và tiềm năng về đào tạo với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề lớn, cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt. Nhân dân Vĩnh Long có truyền thống cách mạng, luôn luôn đi đầu trong đấu tranh chống ngoại xâm trước kia và trong phát triển kinh tế.

Về nông nghiệp

Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: quỹ đất nông nghiệp năm 2013 gần 119 ngàn ha, chiếm 78,23% diện tích tự nhiên; nằm giữa sông Tiền và sông Hậu nên đất đai màu mỡ, lại đảm bảo đủ nước ngọt quanh năm phục vụ phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện. Khai thác những lợi thế đó, tỉnh Vĩnh Long đã phân bổ sản xuất nông nghiệp theo hướng: khu vực đất liền sẽ tập trung trồng lúa, cây ăn quả, cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi bò, lợn, gà và nuôi trồng thuỷ sản; các cù lao trên sông là nơi có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp trồng các loại cây ăn quả đặc sản, nuôi cá trong các mương vườn, vùng bãi bồi ven sông, ven cù lao. Từ sự phân bổ này, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm hướng tới mục tiêu đưa kinh tế vườn thành thế mạnh thứ hai trong sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng liên tục và bền vững theo vùng sinh thái, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng và giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, mang lại giá trị ngày càng tăng trên một đơn vị diện tích.

Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, đem lại giá trị thu nhập cao hơn cho người nông dân và phá thế độc canh cây lúa, tỉnh Vĩnh Long chủ trương đưa giá trị kinh tế từ vườn cây ăn quả thành thế mạnh thứ hai sau cây lúa. Trong những năm qua, người dân Vĩnh Long đã tích cực cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, tận dụng diện tích ngoài đê bao để lập vườn và trồng các lọai cây có giá trị kinh tế, góp phần đưa diện tích vườn cây ăn quả của tỉnh lên gần 47 nghìn ha năm 2010. Đặc biệt, đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản như: cam sành ở Tam Bình, bưởi Năm Roi ở Bình Minh, nhãn, chôm chôm ở Long Hồ… 

Do làm tốt công tác thuỷ lợi, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa tăng theo từng năm. Vì thế, tuy diện tích gieo trồng lúa giảm, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng và đã đạt trên 1 triệu tấn. Bên cạnh đó, việc đưa rau màu xuống ruộng đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Vĩnh Long. Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu và luân canh cây màu trên ruộng lúa diễn ra rộng khắp.  Những mô hình chuyên canh rau màu an toàn, mô hình 3 vụ màu/năm; 2 lúa - 1 màu, 2 màu - 1 lúa, 1 lúa - 3 màu…, các vùng chuyên canh màu tập trung đã và đang hình thành đã mang lại giá trị cao trên 1 đơn vị diện tích.

Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng có những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có trên 350 ngàn con heo, gần 70 ngàn con bò và gần 5 triệu con gia cầm. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh theo hướng phát triển các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh và các mô hình xen canh. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản gần 2,5 ngàn ha, trong đó khoảng 450 ha nuôi cá tra thâm canh và khoảng 650 lồng bè nuôi cá, cho sản luộng hàng năm khoảng 150 ngàn tấn và chủ yếu làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Trong tương lai, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại và khai thác thế mạnh về nuôi thủy sản phục cụ cho chế biến xuất khẩu là lĩnh vực ưu tiên trong định hướng phát triển của tỉnh.

Về công nghiệp.

Vĩnh Long luôn là một trong các tỉnh đứng đầu cả nước trong việc thu hút đầu tư thông qua những chính sách mời gọi hợp lý, cởi mở và cho thấy vẫn còn nhiều tiềm năng đầu tư, phát triển.

Cơ sở hạ tầng: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 02 khu công nghiệp, 01 tuyến công nghiệp và sẽ có 3 khu công nghiệp mới cùng với các cụm công nghiệp.

- Khu công nghiệp Hoà Phú, giai đoạn 1: Quy mô 122,16 ha, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được xây dựng hoàn chỉnh, hiện đã lấp đầy 100% đất công nghiệp với 16 doanh nghiệp, trong đó có 07 nhà đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư 99,74 triệu USD và 09 nhà đầu tư trong nước với vốn đầu tư trên 644 tỷ đồng. Giai đoạn 2: Quy mô 129,91 ha, san lấp mặt bằng đạt trên 25%. Hình thức xây dựng cuốn chiếu nên sẵn sàng đáp ứng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất.

- Khu công nghiệp Bình Minh: Quy mô 131,5 ha, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 75% và đã cho thuê 47 ha, chiếm 55% đất công nghiệp với 10 doanh nghiệp, trong đó có 01 đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký đầu tư là 14 triệu USD và 09 đầu tư trong nước với vốn đăng ký đầu tư trên 1.087 tỷ đồng.

- Ngoài các khu công nghiệp hiện hữu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Vĩnh Long quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Đông Bình với diện tích 350 ha; Khu công nghiệp An Định với diện tích 200 ha và Khu công nghiệp Bình Tân với diện tích 400 ha.

- Tuyến công nghiệp Cổ Chiên: Khu IV với diện tích 30 ha, san lấp đạt 72% khối lượng và đã có 2/5 doanh nghiệp hoạt động, vốn đăng ký đầu tư là 7,4 triệu USD và 1.394 tỷ đồng.

- Cụm công nghiệp: Tỉnh đã quy hoạch phát triển 13 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015 tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích trên 642 ha và giai đoạn năm 2016-2020 là 6 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với diện tích là 242 ha. Đã có 7 cụm Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp  đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, diện tích 354 ha và đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 nhà đầu tư.

Sản phẩm công nghiệp.

- Hàng thủ công mỹ nghệ: Dự báo nhu cầu thị trường xuất khẩu về những sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn;

- Tân dược: Là sản phẩm truyền thống của Vĩnh Long, đang chiếm thị phần khá lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và trong nước. Cùng với mức sống dân cư tăng, nhu cầu về các loại thuốc sẽ tăng. Đây là một lợi thế cần được duy trì và phát huy.

- Sản phẩm công nghiệp nhẹ: Thị trường xuất khẩu và trong nước đối với những loại sản phẩm này còn lớn, đặc biệt là các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

- Sản phẩm cơ khí: Đối với Vĩnh Long đây là sản phẩm có nhiều tiềm năng. Trước hết, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền là ngành truyền thống, là vùng sông nước nên nhu cầu về các loại sản phẩm của ngành dự báo sẽ tiếp tục tăng, cần được duy trì và phát huy; cùng với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nhu cầu về các loại sản phẩm cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác sẽ ngày một lớn. Là địa bàn có tiềm năng lớn về đào tạo, khoa học công nghệ, dự báo những ngành cơ khí này sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Nguồn nhân lực.

Dân số tỉnh Vĩnh Long trên 1 triệu người, trong đó dân số nông thôn chiếm trên 80% nhưng bình quân đất canh tác thấp. Đây là nguồn lao động cho hoạt động sơ chế, gia công trong thời điểm nông nhàn và các công đoạn không đòi hỏi tay nghề cao, lao động theo kiểu ly nông mà không ly hương.

Dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ này khá cao so với bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây vừa là tiềm năng, song cũng là sức ép lớn về tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác trên địa bàn.

Mạng lưới đào tạo được mở rộng, đến nay toàn tỉnh đã có 03 trưòng đại học, 03 trường cao đẳng, 03 trường trung học chuyên nghiệp. Mạng lưới dạy nghề có trường trung cấp dạy nghề và công nhân kỹ thuật là trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long và Trung cấp Nghề số 9 cùng với nhiều cơ sở đào tạo nghề của tỉnh và huyện, thị, thành phố có khả năng đào tạo được số lượng khá lớn học sinh, sinh viên cho tỉnh và các tỉnh trong vùng.

Hiện nay tỉnh đang thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực, phấn dấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật lên khoảng 55% và năm 2020 khoảng 65-66%.  Đây là nguồn lực hết sức cần thiết cho công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong những năm tới.

(Nguồn: www.vinhlong.gov.vn)

Tin cũ hơn